Thương hiệu
nước hoa cao cấp Miss Sài Gòn đậm đà bản sắc Việt với hình ảnh cô gái mặc áo dài thướt tha trong vành nón lá nghiêng che, đã quá đỗi thân quen với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tháng 5/2007, một lần nữa chủ sở hữu của Miss Saigon - Cty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) - khẳng định tên tuổi của mình bằng việc đón nhận Giải thưởng WIPO - giải thưởng dành cho đơn vị có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất kinh doanh - do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao tặng.
Với bà Nguyễn Kim Thoa - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty SCC, việc tạo dựng nên thương hiệu ấy là một cuộc vật lộn gian truân cộng với khát vọng cháy bỏng vươn tới cái đẹp hoàn hảo của mọi người trong đại gia đình SCC bằng việc đổi mới công nghệ, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi thành viên. Đến nay, SCC đã sở hữu 163 văn bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có 23 văn bằng quốc tế.
Bấu víu vào niềm tin
Tiền thân của SCC là một xí nghiệp Nhà nước với quy mô nhỏ, hình thành sau giải phóng miền Nam, chuyên sản xuất nước hoa và các chất tẩy rửa. Bà Nguyễn Kim Thoa đã trở thành người đứng đầu xí nghiệp này ngay từ khi còn rất trẻ.
Thời bao cấp hay lúc nền kinh tế mới chuyển đổi, khi đời sống của người dân còn khó khăn thì
nước hoa pháp là một cái gì đó xa xỉ, bà có cảm thấy việc sản xuất kinh doanh của đơn vị mình cũng… rất xa xỉ?
Khi nghĩ về tương lai xa thì tôi không lo, vì biết chắc đến một lúc nào đó đời sống sẽ được nâng cao và mọi người sẽ cần đến nước hoa hay các loại mỹ phẩm.
Nhưng thật tình, trước mắt, tôi thấy tối sầm bởi lĩnh vực nào người ta cũng quan tâm nhiều, nhất là các hoạt động sản xuất liên quan thiết yếu đến đời sống như thực phẩm, may mặc, hay máy móc thiết bị… nhưng riêng mỹ phẩm thì đúng là bị nói là xa xỉ.
Mặc dù buồn nhưng tôi quyết đeo bám nghề với niềm tin mỹ phẩm làm đẹp cho đời sống và đó là sản phẩm không thể thiếu của đời sống văn minh.
Vậy bà bấu víu vào đâu để tiếp tục theo đuổi với nghề?
Bấu víu vào người tiêu dùng, vào niềm tin vào những khách hàng của mình. Tôi muốn người Việt Nam mình được hưởng thụ sản phẩm của đời sống văn minh nên làm sản phẩm chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân bấy giờ.
Dần dần mình giành được sự tín nhiệm của mọi người nhờ chất lượng, giá cả đến cung cách phục vụ… Điều quan là người tiêu dùng ngày càng nhận ra mỹ phẩm cũng là một thứ thiết yếu trong cuộc sống hiện đại chứ không phải là xa xỉ.
Giữ thương hiệu không dễ
Những doanh nghiệp Nhà nước trước đây thường “lơ là” với việc xây dựng thương hiệu, bà bắt đầu công việc này từ khi nào và từ đâu?
Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tôi đã ý thức về sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu, và bắt đầu bằng việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông, sau đó là bằng nhiều hình thức khác. Nhờ đó, người tiêu dùng biết nhiều đến SCC, nhất là loại sản phẩm nước hoa Miss Saigon. Mỗi năm, SCC đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho việc duy trì và phát triển thương hiệu.
Là người dẫn dắt SCC trong suốt một thời gian dài và bây giờ đang bước vào giai đọan chuyển đổi mạnh mẽ, bà có gặp nhiều trở ngại?
Trong kinh doanh không phải lúc nào cũng thắng. Có lúc mình gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn việc cạnh tranh không lành mạnh, hoặc khi một số chính sách thay đổi theo hướng bất lợi cho kinh doanh.
Tuy nhiên, cái quan trọng là mình phải biết vượt qua khó khăn. Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Mình phải nhìn tương quan để biết mình ở đâu với những điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục.
Có trở ngại nào khiến bà nản chí hay bất lực?
Những năm trước tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng giả hàng nhái rất nhiều, những sản phẩm đang thịnh hành ngoài thị trường thường bị làm nhái, giả.
Chúng tôi nhiều phen điêu đứng, kêu với chính quyền nhưng không phải lúc nào cũng được làm đến nơi đến chốn, có lúc trắng đen không rõ ràng, thậm chí có khi người vi phạm SHTT lại được bảo vệ làm mình hoang mang, tinh thần mình sa sút ghê gớm.
Người ta đi đòi quyền SHTT từ 2 đến 3 năm là thấy mệt mỏi rồi, còn tôi phải đi 8, 9 năm mới thắng được, nhiều khi nản, muốn bỏ cho rồi. Xây dựng được thương hiệu đã khó, giữa được càng gian nan hơn.
Là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH - hai nhiệm kỳ X và XI) - một cơ quan lập pháp - nhưng bà phải nhiều năm long đong đi tìm công lý, có vẻ như trớ trêu?
Tôi nói thật, thời gian ấy nếu tôi không là ĐBQH thì chắc thua, mất tiêu cái thương hiệu Miss Saigon quá (cười)!
Điều đó có đồng nghĩa với việc, khi không còn là ĐBQH bà sẽ gặp khó khăn hơn?
Tại thời điểm này, dù là ĐBQH hay không thì việc bảo về quyền SHTT cũng rất là thuận lợi so với trước đây. Vì rằng, khi Việt Nam đã hội nhâp thì đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn trong việc bảo vệ quyền SHTT cho các chủ sở hữu.
Hữu xạ tự nhiên hương
SCC là một trong rất ít DN có sản phẩm (Miss Saigon Elegance) được chọn làm quà tặng cho các thượng khách 21 nền kinh tế thành viên APEC tại Hội nghị thượng đỉnh 2006 ở Hà Nội. Để được như thế bà có tận dụng ưu thế cá nhân nào không, ví dụ như vận động hành lang?
Ưu thế? Nếu có thì đó là chất lượng sản phẩm cùng với đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc trong sản phẩm. Tôi nghĩ, hữu xạ tự nhiên hương. Vả lại, không ai lại chọn một sản phẩm thiếu tính tiêu biểu cho văn hóa dân tộc để tặng các thượng khách quốc tế.
Nhưng gần đây, SCC đã tung ra một chuỗi cửa hàng SC Perfume hoàn toàn mới, nói cách khác là một hệ thống nhận diện khác khiến hình ảnh truyền thống của SCC là Miss Saigon có phần bị mờ nhạt?
Điều này có phần đúng, thông qua Miss Saigon thì người tiêu dùng dễ nhận diện về SCC vì hình ảnh rất ấn tượng và quá quen thuộc. Nhưng không có nghĩa cái này “phá” cái kia. SC Perfume là một dòng sản phẩm mới, trẻ trung và tương đối cao cấp, đồng thời là một hệ thống bán lẻ hiện đại.
Để đón đầu cơ hội và nâng cao sức cạnh tranh với các loại mỹ phẩm ngoại nhập sẽ ồ ạt tràn vào trong một tương lai không xa, chúng tôi đã ấp ủ dự án đầu tư xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ này từ khá lâu và cho đến đầu năm 2007 mới chính thức khai trương.
Tuy nhiên hệ thống này này còn rất mới mẻ để người tiêu dùng biết đến nó, thậm chí nhiều người cứ ngỡ đấy là “công ty lạ” mới ra đời. Tôi nghĩ, phải có thêm thời gian cho người tiêu dùng.
Đâu là chuỗi giá trị mà bà muốn khẳng định trong chuỗi cửa hàng bán lẻ mới SC Perfume?
SCC đang nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp, sang trọng hơn nữa theo tiêu chí kinh doanh “Uy tín khởi nguồn từ chất lượng”.
Ngoài chất lượng sản phẩm, trong chuỗi SC Perfume, chúng tôi đã giải khá tốt bài toán về kiểu dáng mẫu mã, bao bì-điều mà các DN trong nước vốn còn rất yếu. Đó cũng là chuỗi giá trị mới góp phần để kinh doanh bền vững.
Năm 2004, SCC đưa vào hoạt động nhà máy mới với công nghệ tiên tiến nhất của “cường quốc nước hoa” Pháp tại TPHCM với vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Với việc đầu tư chiều sâu, doanh thu của SCC tăng trưởng nhanh chóng, riêng năm 2006 doanh thu tăng 20% so với 2005, kim ngạch xuất khẩu chiếm 42% trên tổng doanh thu.
Sản phẩm
nước hoa của SCC có mặt trên toàn quốc và được thị trường nhiều quốc gia ưa chuộng như Trung Quốc, Nga, Campuchia, Philipines, Nam Phi, Mỹ, Nhật, Samoa, Mông Cổ, Myanmar...
Từ đầu năm 2007 đến nay, SCC đã đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng bán lẻ SC Perfume ở TP.HCM, Hà Nội, Phan Thiết, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre...
Theo kế hoạch trong năm nay SCC sẽ phát triển hơn 50 cửa hàng SC trên phạm vi toàn quốc.
Trong thời gian tới, SCC sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực mới như tài chính, bất động sản, đào tạo nhân lực về ngành mỹ phẩm. “Đa ngành nhưng trụ cột chính vẫn là mỹ phẩm” - Bà Thoa khẳng định.
(Theo Tiền phong)