Thích gì cũng chiều!
Để tìm hiểu thị trường, chúng tôi đã lần lượt ghé qua các trung tâm, chợ chuyên doanh mỹ phẩm… Tại Diamond Plaza(Q.1) ngay tầng trệt trưng bày và bán mỹ phẩm, chúng tôi nhận thấy đã có gần chục gian hàng với đầy đủ các nhãn hiệu nước hoa nổi tiếng của các “đại gia” thuộc hàng “high class” như: Giorgio Armani, Tresor (LanCôme), Polo (Ralph Lauren), Eternity (Calvin Klein), Credence (Avon), Victoria (Gryphon Development), Brut (Faberge)… và thật buồn, không có lấy một thương hiệu nào trong nước.
Nếu như trước đây dân “nghiện”
nước hoa cao cấp chỉ có thể xài được hàng “xịn” thông qua người thân ở nước ngoài gửi về hoặc phải mua hàng “xách tay” thì nay, chỉ cần ngỏ ý muốn chọn một cặp hàng “xịn” để làm quà tặng hay dùng sẽ bị “loạn mùi” bởi các hương vị phức tạp tạo ra từ hàng tá mùi thơm “cao cấp chính hãng” do các “người đẹp” tiếp thị. Các sản phẩm phần lớn được “hét” giá từ 250.000 đến vài triệu đồng/lọ, tùy theo dung tích và nhãn hiệu.
Chợ An Đông (Q.5) - một trong những trung tâm phân phối hàng mỹ phẩm lớn cho các tỉnh là điểm đến tiếp theo. Tại cửa hàng CP, trong vai một người “cất hàng” bán lẻ ở tỉnh, chúng tôi đề nghị được tư vấn một số sản phẩm nước hoa, chị Phụng- chủ quầy hàng đã lần lượt mang ra giới thiệu nhiều sản phẩm, trong đó có không ít hàng “xách tay”, hàng tồn…, đặc biệt nhiều sản phẩm có tên Tây mới nghe qua rất dễ bị nhầm với hàng hiệu như Apolo, Tabuni, Brutty, Adida… mà theo chị là hàng “made in Gò Vấp”. Trung bình cứ 10 mác thì đến 7 mác có cả hai loại đàn ông và đàn bà với giá bỏ sỉ chỉ từ 5.000-30.000đ/lọ…
Muôn nẻo đường… xuất xứ!
Tâm lý sợ bị mọi người xung quanh bình phẩm “mùi rẻ tiền” cộng với tính “sính ngoại” đã làm cho nhiều người dở khóc dở cười khi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mang về “bình nước thơm thợ cạo”. Theo chị Phụng, phần lớn các loại nước hoa “xịn” là hàng phi mậu dịch, nhập về bằng đường quà biếu hay “xách tay”, vì vậy khó có thể phân biệt thật giả chưa kể đến việc dân đi hàng chuyên nghiệp ít khi mua hàng tốt mà chỉ lựa các loại hàng “sale off” tồn kho, sắp hết hạn sử dụng và đa phần là làm tại nước thứ 3 với giá rẻ mang về bán kiếm lãi nhiều hơn.
Theo chị Thanh Phương - chủ shop Thế giới sắc đẹp (Q.1) thì chỉ có “dân trong nghề” và những người sành sỏi mới nhận biết được hàng có xuất xứ từ chính quốc hay hàng nhái bởi hiện nay nước hoa bị làm giả rất nhiều. Chẳng hạn, loại Tresor giá của Đài Loan có mẫu mã, mùi hương giống đến khó phân biệt nhưng giá chỉ bằng nửa, thậm chí 1/3 hàng do chính Lancôme đưa ra. Hay hiệu Polo Sport “made in Hồng Kông” (thực tế làm tại Quảng Châu) chai xanh mà giới trẻ đang chuộng có giá bán chưa bằng một nửa so với hàng Ralph Lauren “made in Paris”.
Ngoài hàng “ngoại giả ngoại”, trên thị trường có không ít các nhãn hiệu nước hoa của Lancôme, Chanel, Amani…, thậm chí cả Miss Sài Gòn ra lò từ chợ Kim Biên (Q.5). Tại đây, chỉ cần ghé vào bất cứ quầy hàng kinh doanh hóa chất nào, khách hàng cũng dễ dàng tìm được cho mình một hoặc nhiều mùi hương đang thịnh. Nếu là dân “cất hàng” bán lẻ kiếm lời, sẽ dễ dàng đặt mua tại chợ vài thùng nước hoa nhái, giả các hiệu nổi tiếng, đặc biệt là các mẫu hàng không có đầu xịt. Mặc dù có mẫu mã hơi “phô” nếu đem so sánh với “hàng ngoại giả ngoại”, song với những người không rành về sản phẩm cũng khó mà nhận biết. Giá bán sỉ tại quầy chỉ bằng… 1/8 so với hàng “xịn”. Chúng tôi cũng đã có dịp ghé thăm “chợ nước hoa” ở Quảng Châu (theo cách gọi của dân đánh hàng) và đã chứng kiến những loại nước hoa siêu nhái, giống hệt như thật ngay cả khi đem so với hàng xịn chính gốc. Từ mùi vị đến bao bì mẫu mã đều giống hệt. Chỉ phân biệt được sau khi sử dụng vì
nước hoa siêu nhái nhanh mất mùi và “soi” thật kỹ sẽ thấy bao bì có chỗ chưa thật tinh xảo.
Những lưu ý khi chọn mua nước hoa
- Chọn nước hoa nên tùy thuộc vào tính cách, tâm lý, cách phục sức của người dùng và nếu muốn “sành điệu” có thể dùng theo mùa. Mỗi loại nước hoa được cấu tạo mùi hương theo 3 lớp: mùi đầu tiên cảm nhận được ngay sau khi xịt gọi là top; sau 5-10 phút khi mùi hương dịu đi gọi là heart và sau cùng là mùi gốc thật sự lưu lại trên cơ thể gọi là base.
- Trên thị trường có 4 dòng sản phẩm với cấp độ nặng, nhẹ khác nhau được ghi chú rõ trên từng sản phẩm: Loại cao cấp đặc biệt Extrayt de Parfum chứa 25-32% tinh dầu có khả năng lưu giữ mùi hương từ 3-7 ngày. Loại thứ hai là Eau de parfum với 12-22% tinh dầu có khả năng lưu giữ mùi hương từ 1-3 ngày. Kế tiếp là loại thông dụng Eau de toiletter chứa 6-8% tinh dầu có thể sử dụng hàng ngày và loại “bèo” nhất là Eau de cologne chỉ có 2% tinh dầu có mùi thơm thoang thoảng thường dành cho nam giới.
- Trước khi mua cần phải xịt thử lên da (cổ tay) bởi đặc điểm của nước hoa là sẽ cho hương thơm khác nhau tùy theo cơ địa của mỗi người.
- Nếu muốn xài hàng “độc” không đụng hàng vừa thơm lâu, vừa rẻ tiền có thể tìm đến những nơi chuyên bán hóa chất mua lẻ (ml) theo dạng “xách chai đựng dầu”.
- Những sản phẩm nước hoa cao cấp có phần đầu xịt bằng nhôm si hay mạ vàng và bao bì, chai lọ đẹp, sắc sảo trông rất tinh tế, đồng thời có mã số, mã vạch sắc nét dán dưới đáy lọ.
- Cuối cùng, nếu muachai
nước hoa Pháp, bạn hãy đến những cơ sở có uy tín và chính hãng kẻo rồi trả tiền thật để lấy hàng giả.