Hiện nay một số loại
nước hoa của các công ty Việt Nam đang từ từ thâm nhập vào thị trường bằng các nhãn hiệu Miss Sài Gòn, Mirage, Cindy, Immortel...

Nước hoa cao cấp của Việt Nam
Vì sao nước hoa ngoại đắt tiền?
Một chai nước hoa Pháp hàng hiệu như Chanel, Hugo Boss giá trung bình 850.000 - 1.000.000 đồng. Nước hoa loại đắt nhất của Mỹ phẩm Sài Gòn là Mirage giá 113.000đ/chai.
Một chuyên viên đã từng làm việc trong xưởng sản xuất nước hoa tại Pháp phân tích: Nước hoa hàng hiệu được các nhà sản xuất kéo dài công đoạn pha trộn, ủ hương từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Sau đó nước hoa được đưa vào ổn định mùi trong vòng 48 giờ ở 60 C, qua các công đoạn lọc sạch 4 - 5 lần, rồi vô chai nên các hương liệu được phối trộn "tan vào nhau" và có độ bền mùi tốt hơn.
Giá nước hoa hàng hiệu đắt do chi phí đầu tư sản xuất, chi phí quảng bá thương hiệu, chi phí bao bì (chiếm trên 60% giá thành)... Nước hoa Việt Nam sử dụng cùng một loại hương liệu, nhưng sản xuất nhanh trong vòng 24 giờ, do đó kém ở độ bền và ổn định mùi khi để lâu (vài năm trở lên).
Bà Nguyễn Kim Thoa, giám đốc Công ty mỹ phẩm Sài Gòn cho biết: "Chất lượng của nước hoa chính là sự phù hợp với thị trường. Chẳng hạn tại miền Bắc, khách hàng thích chọn loại nước hoa đắt tiền nhất và chuộng mùi Mirage được họ gọi là mùi hoa sữa. Tại miền Nam, khách hàng thích chọn theo thói quen, chuộng các mùi thơm tổng hợp, như Mirage họ lại gọi là mùi Kenzo". Những loại nước hoa Việt Nam sản xuất theo công nghệ hiện đại không ủ mùi lâu, nhưng hương liệu cũng được mua từ các nhà cung cấp cho các nước hoa hàng hiệu.
Ấn tượng mùi hương
Sở thích mùi nước hoa phụ thuộc vào cá tính, thói quen, nghề nghiệp... Có những người thích mùi "bốc, mạnh", có người thích mùi "nhẹ, thoang thoảng".
Theo nhà sản xuâtë, trong công nghệ sản xuất nước hoa, mỗi mùi hương được gọi là một nốt (note) như một nốt nhạc và mỗi chai nước hoa tung ra thị trường là một bản nhạc với sự hoà tấu của hàng trăm hoặc hàng ngàn nốt khác nhau.
Theo tài liệu chuyên ngành nước hoa, có khoảng 2.000 nốt trong cung bậc hương thơm mà khứu giác con người có thể nhận được. Theo cách phân loại của Pháp có 7 nhóm mùi cơ bản, theo cách phân loại của Mỹ có 9 nhóm mùi cơ bản.
Thành phần của một chai nước hoa thường được chia thành 3 phần theo cấu tạo tháp tam giác.
Phần đỉnh (top note): chứa những mùi hương thơm nhẹ, thoang thoảng (hương hoa, trái cây). Nó bốc hơi rất nhanh và bật hương thơm đầu tiên ngay sau vài giây, tạo cho khách hàng ý thích hay không thích ngay lập tức.
Phần giữa (middle note): là trái tim của mùi hương, ẩn chứa những hương thơm chính (hương cây cỏ, hương gia vị) tạo mùi ấn định cho mỗi loại nước hoa. Hương này bật lên sau khoảng 10 - 15 phút và lưu lại sau vài giờ như một sự gợi nhớ để người sử dụng luôn trung thành với nó.
Phần đế (base note): với những hương thơm lâu bền lưu lại suốt ngày trên người như một cách thể hiện cá tính riêng như hương gỗ, xạ hương, nhựa thông...
Mỗi loại nước hoa toả hương riêng theo những ý tưởng pha chế khác nhau. Sophia Grojman, nhà pha chế đã góp phần tạo ra các loại nước hoa nổi tiếng thế giới như Eternity, Trésor... cho biết: “Tôi đi thẳng đến trái tim của mùi hương. Người ta thường cảm nhận top note trước rồi mới tuần tự tiếp theo, tôi thì chìm sâu vào trong ngay lập tức, tôi muốn chạm đến cái hồn của hương thơm". Như vậy, tùy theo ý tưởng ban đầu của nhà pha chế, đối tượng khách hàng của nhà kinh doanh, mà họ tung ra những loại có mùi thơm dịu nhẹ hay nồng nàn, mạnh mẽ khác nhau theo các nhóm hương để thu hút người tiêu dùng.
Mùi hương Việt Nam
Ông Trần Quốc Trung, đại diện nhà phân phối
nước hoa Pháp - Paris France tại Việt Nam nhận xét: "Người Việt Nam thích mùi nước hoa mạnh, nồng. Họ thích xài nước hoa thật thơm". Do đó, nhiều loại nước hoa bán chạy ở Pháp lại khó tiêu thụ ở Việt Nam.
Ông Lưu Tăng Nghĩa, nhà sản xuất các loại nước hoa Lana phân tích: thị hiếu và tâm lý tiêu dùng nước hoa tại Việt Nam khác nhau theo từng vùng, theo điều kiện khí hậu nóng hoặc mát mẻ, theo nhịp độ phát triển đô thị... Hiện nay mùi của nước hoa sản xuất tại Việt Nam đang tiến dần đến dòng nước hoa hiện đại. Các loại
nước hoa cao cấp Việt Nam đang bán trên thị trường được sản xuất theo hướng tạo nét riêng cho mình ở hương thơm mạnh và lưu lại lâu mà vẫn ngọt ngào, đằm thắm.
Lưu ý sử dụng và bảo quản nước ho
Nước hoa là một loại mỹ phẩm nhưng thường không ghi hạn sử dụng. Nước hoa chịu các tác động của điều kiện tự nhiên như ánh sáng, độ ẩm làm thay đổi màu sắc, nhiệt độ làm thay đổi màu nhưng sự thay đổi này không tác hại đến người sử dụng.
Trời nóng, nhiệt độ cao, mùi hương bốc hơi nhanh và mạnh. Bảo quản nước hoa trong mát, nhiệt độ khoảng 20 - 220 C hàng chục năm chất lượng vẫn không suy suyển. Từ 400 trở lên, mùi có thể bị thay đổi.
Với khí hậu nóng ẩm hiện nay, thích hợp nhất là xịt nước hoa lên quần áo do trong nước hoa có cồn dưới tác động ánh nắng có thể gây kích ứng cho da ( xứ lạnh nên xịt nước hoa trên da). Vị trí xịt thích hợp là sau cổ áo và phần thân trước ngực. Nên xịt nước hoa trong nhà trước khi ra ngoài để tạo hương thơm nhẹ và thoang thoảng.
BÍCH NGA